3 điểm có phải là điểm liệt ?
Học sinh (HS) Trần Thị Mỹ Linh (Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, An Giang) rất lo lắng khi cho biết đã nghe thông tin rằng điểm liệt đã tăng lên tới điểm 3 chứ không phải 1 điểm như trước đây, thông tin này có đúng không? Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết gần một tuần nay, trên một số diễn đàn mạng xã hội có suy diễn điểm liệt của 3 môn thành phần trong bài tổ hợp thì được tính là 3, thông tin này không chính xác. Theo quy chế, điểm liệt năm nay từ 1 trở xuống và điểm này tính theo môn thi. Do vậy dù bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có tổng điểm trên 1, nhưng một môn thành phần bị 1 trở xuống thì thí sinh (TS) cũng sẽ bị điểm liệt cả bài thi khi xét tốt nghiệp. Với những TS dự thi cả hai bài tổ hợp, phần mềm sẽ tự động lấy điểm bài thi điểm cao hơn và không có điểm liệt để xét tốt nghiệp. Khi xét tuyển ĐH, CĐ thì điểm liệt cũng tính từ 1 trở xuống và TS không được dùng kết quả môn thi đó để xét.
Trong khi đó, HS Nguyễn Dương Bảo Nhi (Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu) thắc mắc: “Nếu khi thi trắc nghiệm em đánh dấu một lượt đáp án A hoặc B hoặc C hoặc D thì em có bị điểm liệt không?”. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn giải đáp, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT thì năm nay mỗi TS trong cùng phòng thi sẽ có mã đề riêng, vì vậy việc phân bố 25% đáp án cho các câu hỏi có thể sẽ không xảy ra. Nếu TS đánh một lượt cho một đáp án thì rất rủi ro, không chắc chắn sẽ tránh bị điểm liệt.
Cũng đến từ Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, Bạch Thị Thúy Phụng hỏi: “Bài trắc nghiệm của các môn trong bài tổ hợp được đánh số thứ tự câu hỏi và trả lời như thế nào, từ 1 - 40 từng môn hay 1 - 120 liên tục?”. Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, trả lời trong bài thi tổ hợp câu hỏi môn 1 sẽ từ 1 - 40, môn 2 sẽ tiếp tục từ 41 - 80 và môn 3 từ 81 - 120. Ba môn thi này thực hiện trong thời gian làm bài riêng biệt (mỗi bài 50 phút) nhưng cả 3 môn này đều thực hiện đồng thời trên một phiếu trả lời trắc nghiệm.
Cơ hội việc làm nếu học ngành mầm non
Mối quan tâm đặc biệt của nhiều HS trên địa bàn An Giang là cơ hội việc làm với ngành giáo dục mầm non. Một câu hỏi gửi tới chương trình ghi: “Em rất thích trẻ nên muốn đi học về mầm non nhưng nghe nói ngành này rất khó kiếm việc làm ở An Giang. Bạn bè em nhiều người chọn ngành về kinh tế, kỹ thuật nhưng em còn rất băn khoăn giữa việc chọn ngành học theo sở thích hay dễ tìm việc làm”. PGS-TS Trần Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho hay năm 2017, trường tuyển 200 chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non: “Chúng tôi vừa thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực giáo viên bậc học này tại Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang thì thấy còn thiếu nhân sự rất lớn. Vì vậy, TS có thể an tâm đăng ký nếu muốn theo học ngành này”.
Trước băn khoăn này của HS, ngay trong chương trình, ông Võ Bình Thư, Phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cung cấp những thông tin quan trọng về nhân sự ngành học này trên địa bàn. Theo ông Thư, hiện toàn tỉnh đang có 198 trường mầm non (trong đó có 15 trường tư thục). Với 14.000 giáo viên mầm non tại các trường hiện nay thì đủ với cơ cấu một giáo viên/lớp theo quy định hiện tại. Nhưng theo hướng chương trình giáo dục mầm non mới cần 2,2 - 2,5 giáo viên/lớp thì sẽ thiếu 1.000 giáo viên. Như vậy quá trình đào tạo trong 5 năm nữa mới đủ nhân lực, tuy nhiên vẫn cần thêm nhân lực bù đắp cho các giáo viên về hưu mỗi năm. Vì vậy nếu thực sự đam mê, TS nên theo học ngành này.